Wednesday, October 24, 2007

DIỄN HÀNH - BÀI VIẾT CỦA BÁO NGƯỜI VIỆT

ĐÀI TƯỞNG NIỆM CHIẾN TRANH VIỆT NAM ĐƯỢC 25 NĂM

Bài và hình: Minh Tường/Người Việt

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=67615&z=123


Ngày 10 Tháng Mười Một tới đây, các binh chủng quân đội Hoa Kỳ sẽ có một cuộc diễn hành kỷ niệm 25 năm Ðài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam (Vietnam War Memorial) tại thủ đô Washington DC.

Ngoài ra, trong cuộc diễn hành này, còn có sự tham gia của các đơn vị thuộc các binh chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH).
Ðây là năm thứ hai các binh chủng QLVNCH tham gia diễn hành.

Ngoài tên chính thức, đài tưởng niệm này còn có một tên gọi khác là “Bức Tường Ðá Ðen,” vì bức tường đá granite màu đen của đài tưởng niệm, nơi tên của khoảng 58,000 binh sĩ Hoa Kỳ hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam được khắc lên.
Ðúng như tên gọi và những gì được trình bày, Ðài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam là một đài tưởng niệm quốc gia để tưởng niệm những người Mỹ đã khuất cũng như mất tích trong cuộc chiến tại Việt Nam.
Ðài tưởng niệm nằm trong Constitution Gardens, sát với National Mall, phía Ðông Bắc ngay cạnh Lincoln Memorial, Washington DC.
Toàn bộ khu vực đài tưởng niệm có ba vật thể chính. Ðó là Bức Tường Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Trong Cuộc Chiến Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial War), hay còn gọi là Bức Tường Ðá Ðen, Bức Tượng Ba Người Lính (Three Soldiers Statue) và Ðài Tưởng Niệm Phụ Nữ Trong Cuộc Chiến Việt Nam (Vietnam Women's Memorial).
Khi phác thảo và xây dựng đài tưởng niệm này, các nhà thiết kế và những tổ chức và cá nhân chủ trương gặp không ít khó khăn, nhất là những ý kiến cho rằng cuộc chiến này là một nỗi buồn của nước Mỹ, hoặc như tại sao chỉ có bức tường... Vì thế mà sau này cơ quan quản trị đài tưởng niệm phải đặt thêm những công trình khác vào.
Hiện nay, cơ quan trực tiếp quản trị đài tưởng niệm này là Sở Quản Trị Công Viên Quốc Gia Hoa Kỳ (US National Parks Service), thuộc Bộ Nội Vụ. Theo thống kê của cơ quan này, mỗi năm có chừng 3 triệu du khách đến thăm đài tưởng niệm.
Bức Tường Ðá Ðen, công trình chính của đài tưởng niệm, do kiến trúc sư Maya Lin, tốt nghiệp đại học Yale University, thiết kế và hoàn tất năm 1982.
Còn việc khắc tên của các binh sĩ Hoa Kỳ trên Bức Tường Ðá Ðen do công ty Datalantic, Atlanta, Georgia, thực hiện.
Bức tường này, gồm hai bức tường đá granite, dài hơn 246 feet (khoảng 75 mét), cao hơn 10 feet (khoảng 3 mét) và kéo dài ra hai phía dần dần nhỏ lại, cho tới khi mỗi đầu bức tường chỉ còn cao chừng 20 inches. Từ trên không nhìn xuống sẽ thấy đầu của hai bức tường này chụm lại nhau ở một góc chừng 125 độ. Ðuôi của hai bức tường hướng về Washington Monument, phía Ðông, và về Lincoln Memorial, hướng Tây.
Mỗi bức tường có 72 miếng đá, tổng cộng hai bên là 174 miếng. Có tổng cộng 170 cột tên, từ 1 E đến 70 E, cho bức tường hướng về hướng Ðông, và từ 70 W tới 1 W, cho bức tường hướng về hướng Tây. Bốn miếng còn lại ở hai đầu của hai bức tường quá nhỏ để khắc tên, nên được để trống.
Hai phiến đá này được mang từ Bangalore, Ấn Ðộ về và cắt tại Barre, Vermont. Các nhà thiết kế chọn loại đá này vì độ phản chiếu cao. Vì thế, khi đứng cạnh bức tường, du khách có thể thấy cái bóng của mình trong đó, pha trộn với tên của các binh sĩ tử trận trong cuộc chiến Việt Nam trên tường, với mục đích mang quá khứ về với hiện tại.
Cạnh dưới chân Bức Tường Ðá Ðen là một lối đi bằng xi măng. Du khách có thể đi bộ dọc theo bức tường, dừng lại, đọc từng tên. Có du khách, hoặc thân nhân, đến dùng một miếng giấy trắng và một cây bút chì chà cho tên hiện lên miếng giấy mang về làm kỷ niệm. Cũng có người đến đặt một bó hoa hoặc một kỷ vật nào đó. Trong các ngày lễ lớn các quan chức chính quyền thường đến viếng và đặt những vòng hoa lớn.
Thỉnh thoảng cũng có những cựu chiến binh đem một huy chương nào đó đến bỏ lại ngay chân Bức Tường Ðá Ðen...
Hầu hết những gì để lại tại đây đều được thu gom lại và để trong “Museum and Archeological Regional Storage Facility” thuộc Sở Quản Trị Công Viên Quốc Gia Hoa Kỳ.
Khác với Ðài Tưởng Niệm Chiến Tranh Triều Tiên (Korean War Memorial), phía bên kia National Mall và nằm nổi trên mặt đất, toàn bộ Bức Tường Ðá Ðen là nằm chìm phía dưới mặt đất, tức là nếu lái xe đi trên đại lộ Constitution, đại lộ sát với đài tưởng niệm nhất, du khách không thể thấy được.
Gần với Bức Tường Ðá Ðen là bức tượng đồng “Three Soldiers Statue,” tác phẩm của điêu khắc gia Frederick Hart, đứng hạng ba trong cuộc thi vẽ thiết kế Bức Tường Ðá Ðen. Bức tường này được dựng lên năm 1984 để dung hòa với tác phẩm của kiến trúc sư Maya Lin. Bức tượng gồm có tượng của ba quân nhân Hoa Kỳ tượng trưng cho ba sắc dân Caucasian (trắng), African (Châu Phi) và Hispanic. Cả ba binh sĩ đều hướng về Bức Tường Ðá Ðen như để nghiêm trang tỏ lòng tôn kính các đồng đội có tên trên bức tường. Ngoài ra, khoảng cách gần của bức tượng đối với Bức Tường Ðá Ðen còn có mục đích làm giảm thiết kế của kiến trúc sư đại học Yale University.
Cách không xa Bức Tường Ðá Ðen về phía Nam là “Vietnam Women's Memorial,” với bức tượng hai phụ nữ, một đứng một nằm, tượng trưng cho phụ nữ Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến Việt Nam, mà đa số là y tá. Bức tượng này do điêu khắc gia Glenna M. Goodacre thực hiện và được hoàn tất ngày 11 Tháng Mười Một, 1993.
Ngoài ba vật thể nêu trên, tại đài tưởng niệm còn có vài cột gỗ, phía trên có một hộp gỗ mặt kiếng, bên dưới mặt kiếng là một cuốn sách dày có danh sách của tất cả những tên khắc trên bức tường đá. Du khách hoặc thân nhân của người quá cố có thể dùng cuốn sách này để tìm ra vị trí của tên trên bức tường một cách dễ dàng.

Danh sách này bao gồm tất cả binh sĩ Hoa Kỳ hy sinh và mất tích trong cuộc chiến, kể từ ngày 26 Tháng Chín, 1945 cho tới ngày 15 Tháng Năm, 1975, tức là bao gồm cả 18 binh sĩ Hoa Kỳ bị thiệt mạng trong vụ tàu SS Mayaguez, trong đó hải quân Hoa Kỳ đụng độ với quân Khmer Ðỏ, Cambodia, từ ngày 12 đến ngày 15 Tháng Năm, 1975.

Trong lời kêu gọi mọi người tham dự cuộc diễn hành vào ngày Thứ Bảy, 10 Tháng Mười Một tới đây để kỷ niệm 25 năm Bức Tường Ðá Ðen, do Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại đưa ra, có đoạn như sau:
Với cuộc diễn hành này, đây là dịp chúng ta, những dân quân cán chính VNCH, cùng về với nhau, diễn hành dưới lá cờ tổ quốc thân yêu và quân kỳ của các quân, binh chủng QLVNCH để hãnh diện và vinh danh một tập thể quân đội anh hùng, với nhiệm vụ bảo quốc, an dân đã chịu nhiều gian khổ, thua thiệt và hy sinh, trong suốt những năm tháng dài chinh chiến điêu linh, đồng thời bày tỏ lòng tri ân đến những chiến sĩ Hoa Kỳ đã một thời sát cánh chiến đấu bên nhau và nhân dân Hoa Kỳ đã cưu mang chúng ta trên những bước đầu lập nghiệp nơi quê hương của họ.” (M.T.)

No comments: